Bao nhiêu năm qua cho đến bây giờ, người ta vẫn nhắc nhở đến Thanh Thúy như một hiện tượng, một đề tài mới lạ. Hiện tượng của Saigon lên cơn bão sốt. Của các thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ... đua nhau viết về một tiếng hát mới lạ nhưng đã ngự trị Saigon của thập niên 60. Người ta bỗng nhiên yêu mến tiếng hát đó kỳ lạ. Như một nhân vật huyền bí trong Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh xa xưa, Thanh Thúy lúc ẩn lúc hiện trong làn sương khói mỏng, càng tạo cho đời thêu dệt thêm nhiều huyền thoại bí mật.
Trịnh Công Sơn một thời vật vã với niềm thương nhớ không nguôi với tiếng hát liêu trai đó, và có phải chăng vì thế đã là nguồn động lực thúc đẩy Trịnh Công Sơn viết thành ca khúc Ướt Mi và Thương Một Người chăng?
Thi sĩ Hoàng Trúc Ly trong cơn say nồng của men rượu chỉ cất 4 câu ca ngợi tiếng hát nàng mà đến bây giờ bao nhiêu năm sau giới ái mộ vẫn còn ghi nhớ mãi:
Từ em tiếng hát lên trời
Tay se làn tóc tay vời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan tành không gian
Rồi tới kịch sĩ Nguyễn Long, nhạc sĩ Y Vân, người viết kịch, người viết nhạc, chạy tới tấp để hoàn tất kịch bản "Thúy Đã Đi Rồi" như một lời tâm sự dành cho Thanh Thúy...
Ở bên đó quê hương, người ở lại đang mong chờ nghe lại tiếng hát cũ. Ở bên đây chốn hiu quạnh mịt mờ, Thanh Thúy cũng như bao trái tim lưu vong khác, đều cùng thổn thức một nhịp đau thương cùng kẻ xa nhà mong có ngày trở lại.